Thuê




Khi đơn vị quản lý, vận hành "sợ" cư dân

10/03/2021 - 14:38

Làm sao để quản lý tòa nhà chung cư hiệu quả và ổn định là bài toán nan giải với hầu hết các ban quản lý tòa nhà chung cư.

Khổ với các “ông chủ” thiếu ý thức


Quản lý, vận hành tòa nhà chung cư là một nghề mới phát triển ở Việt Nam, hiện số lượng đơn vị vận hành, quản lý chuyên nghiệp chưa nhiều.
 
Ở nhiều tòa nhà chung cư, sự thiếu chuyên nghiệp của đơn vị quản lý chính là một phần phát sinh ra các tranh chấp. Tuy nhiên, với cả những đơn vị quản lý chuyên nghiệp, nhiều khi cũng gặp những tình huống khó xử lý do sự thiếu ý thức của cư dân.
 

Thị trường Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều công ty quản lý tòa nhà chuyên nghiệp

Anh Nguyễn Văn Công, thành viên ban quản lý một khu chung cư tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, chung cư chỉ khoảng gần 300 hộ, hệ thống đổ rác ở các tầng được trang bị đầy đủ, hiện đại, nhưng nhiều người vẫn thiếu ý thức và luôn có thói quen bạ đâu vứt đấy.
 
Mới đây, cư dân của chung cư này tá hỏa khi thang máy thấy nguyên một chiếc bỉm bẩn gấp gọn trong góc thang máy. Kiểm tra camera thì phát hiện, một bà giúp việc mới xuống Hà Nội làm cho một gia đình trong chung cư khi đưa cháu nhỏ đi chơi, thay bỉm xong không biết hố rác ở đâu, nên vứt bừa ở góc thang máy, nghĩ sẽ có người dọn.
 
“Bực nhất không phải là việc phải dọn dẹp chiếc bỉm, mà là sau khi ghi lại toàn cảnh việc vứt bỉm trong thang máy, phản ánh đến chủ căn hộ thì lại nhận được ánh mắt hình viên đạn và hàng loạt câu nói khó nghe như ‘có gì đâu’, ‘làm gì mà ghê thế, có mỗi cái bỉm’, ‘đàn ông mà đi chấp bà già, trẻ em’… Nghĩ tới mà ngán ngẩm”, anh Công nói và cho biết thêm, đó là chưa kể thỉnh thoảng lại có người say rượu bia nôn mửa trong thang máy.
 
Khi được hỏi về ý thức sử dụng thang máy của người dân, chị Lan, một người dọn dẹp vệ sinh ở khu chung cư khu vực quận Hà Đông cho biết, nhiều người dân không hề chú ý đến những nội quy mà ban quản lý tòa nhà đề ra. Nhiều năm dọn dẹp vệ sinh ở chung cư này, chị đã không ít lần phải ngán ngẩm vì phải dọn cả chất thải, nôn mửa của người dân.
 
“Lần đầu tiên cách đây 2 năm, khi vào hành lang, cầu thang bộ dọn dẹp, tôi phát hiện “sản phẩm” của ai đó vừa phóng uế ra. Dù ngán ngẩm, nhưng tôi vẫn phải dọn dẹp. Làm việc ở đây nhiều năm, cảnh thang bộ biến thành toilet đã không còn là chuyện lạ. Rất nhiều lần tôi phải dọn sản phẩm của người dân nôn trớ, cho con vệ sinh. Rất bức xúc, nhưng cũng đành chịu, vì không bắt quả tang được ai, mà báo với ban quản lý, ban quản trị nhắc nhở cũng chẳng ăn thua”, chị Lan chia sẻ.
 
Để một tòa nhà chung cư vận hành ổn định, an toàn là việc làm không hề đơn giảnMột thực tế hiện nay cho thấy, ở các khu chung cư, nhiều gia đình có con nhỏ đang lạm dụng thang máy trở thành nơi vui chơi cho các cháu, thậm chí biến thành căng tin để dỗ trẻ ăn uống. Đến nhà người thân tại 1 chung cư địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội chơi, phóng viên chứng kiến một người phụ nữ vừa bấm thang máy vừa nói to: “Thang mở rồi kìa, thích quá! con há miệng ra nào”, nói xong, cậu con trai lắc đầu nguây nguẩy, khóc rồi gạt tay mạnh để thìa bột rơi tung tóe ra sàn thang máy.
 
Anh Hiếu, nhân viện một công ty quản lý tòa nhà cho hay: “Trong các thang máy của chung cư, ban quản lý tòa nhà đều treo bảng hướng dẫn và nội quy sử dụng thang máy. Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là gần như không ai chú ý đến những nội quy này để vận hành cho đúng cách. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở và nghiêm cấm cho trẻ con ăn trong thang máy, cấm cho con tè bậy…, nhưng ban quản lý nhắc thì cứ nhắc, còn người dân có nghe và thực hiện hay không thì là chuyện khác”.
 
Nỗi khổ “ba đầu sáu tay”
 
Những câu chuyện liên quan đến thang máy thực tế chỉ là một phần câu chuyện rất nhỏ trong hàng trăm câu chuyện khác liên quan đến cuộc sống tại một khu chung cư, dù bất kể là cao cấp hay thấp cấp.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Ban quản lý tòa nhà chung cư tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, chúng ta thường nghĩ rằng, quản lý tòa nhà là nghề tương đối nhàn hạ, nhưng trên thực tế đây lại là nghề phải chịu nhiều áp lực và căng thẳng, đặc biệt là khi giải quyết tranh chấp và xung đột với cư dân.
 
Ban quản lý tòa nhà không phải chỉ ngồi nhìn camera theo dõi của tòa nhà, mà còn phải thường xuyên đi quan sát thực tế tại các tầng, các phòng để nắm rõ được tình hình sử dụng nhà của từng hộ dân, phải phổ biến và hướng dẫn cụ thể cách thức sử dụng cho người dân, đồng thời xử lý tại chỗ những sự cố đột xuất phát sinh, quản lý hàng trăm hộ dân sinh sống trong tòa nhà.
 
Cho dù chung cư có dịch vụ tốt đến đâu, cũng không thể tránh khỏi sự cố bất ngờ xảy ra, vì vậy, ban quản lý tòa nhà phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng phục vụ, hỗ trợ các hộ dân khi cần thiết. Cần phải phối hợp, liên hệ nhanh chóng với các tổ kỹ thuật và phải theo dõi, nắm bắt hoạt động của các tổ kỹ thuật để có thể nắm rõ toàn diện tình hình hoạt động tòa nhà, điện thoại phải luôn luôn mở 24/24.
 
Nỗi khổ của đơn vị quản lý vận hành tòa nhà không chỉ dừng lại ở đảm bảo thu chi, dịch vụ, mà còn nhiều vấn đề khác. Nghề này đòi hỏi phải có “ba đầu sáu tay”, nắm bắt tình hình tòa nhà để vận hành và quản lý tòa nhà một cách suôn sẻ và chuyên nghiệp. Thế nhưng, đây là nghề làm dâu trăm họ, nên không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, cũng như các bên. Nhiều lúc đơn vị quản lý trở thành “tốt thí” trong cuộc tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư.
 
Theo Báo Đầu tư Bất động sản
BÌNH LUẬN FACEBOOK
TIN LIÊN QUAN
https://tsc6.vn/

CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ THƯƠNG MẠI VÀ SÀN BẤT ĐỘNG SẢN HANDICO6

Địa chỉ: Tầng 6A, tòa nhà Hỗn hợp, lô đất C1, đường Lê Văn Lương, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 0911.453186 – 0915.547452 – 0912.287452

Email: [email protected]